Bệnh và điều trị

BỆNH ĐẬU GÀ

 11,752 lượt xem

Bệnh đậu gà là một bệnh truyền nhiễm do virus gây nên phổ biến trên gà từ 25 – 50 ngày tuổi với các biểu hiện đặc trưng là ở các niêm mạc mắt, miệng mọc mụn, mụn chín chảy mủ làm loét các niêm mạc, bệnh nặng biến chứng làm mù mắt, tiêu chảy, viêm phổi.

1. Nguyên nhân

Bệnh do một loại virus thuộc nhóm pox viruses gây nên. Virus này có khả năng tồn tài dài trong điều kiện thời tiết môi trường khác nhau, chịu được khô hanh, ẩm ướt và ánh sáng cả trong mùa rét. Ruồi, muỗi và các côn trùng khác là những vật trung gian truyền bệnh.

2. Biểu hiện bệnh: Bệnh đậu gà có 3 dạng:

* Dạng khô: đậu mọc ở da, tại những chỗ không có lông, bao gồm cả ở hậu môn, da trong cánh, mào, mép, quanh mắt, chân,… Mụn lúc đầu sưng tây màu hồng nhạt hoặc trắng, sau chuyển tím sẫm dần, mụn khô đóng thành vẩy dễ bong. Khi gà mắc bệnh vẫn có thể ăn uống nhưng kém hơn bình thường, gà hay lắc đầu, vẩy mỏ do các mụn vẩy, khi chữa khỏi gà phát triển bình thường, có thể chết nhưng rất ít.

* Dạng ướt: đậu mọc ở niêm mạc, bắt đầu viêm cata ở miệng, họng, thanh quản, gà ho, vẩy mỏ. Vết viêm loang dần thành các nốt phồng, niêm mạc màu hồng chuyển sang đỏ sẫm, dày dần lên và sau cùng tạo thành các lớp màng giả dính chặt vào niêm mạc, gà ăn uổng và thở rất khó khăn. Bên ngoài, gà có biểu hiện sưng mặt, sưng tích, phù thũng, mắt gà viêm có ghèn, nhớt, dần dần mắt bị lồi do tích tụ các chất đó trong hốc mắt. Mũi gà bị viêm, chảy nước mũi rồi đặc quánh lại, mặt gà sưng to. Gà mắc bệnh không ăn uống được, gầy và bị chết tỷ lệ cao. Một số trường hợp gà bị đậu cả hai dạng kết hợp (dạng khô và dạng ướt).

Mụn mọc đầy quanh mỏ và mắt
Mụn mọc trên mào

3. Phòng bệnh

Chủng vacxin đậu cho gà tại các thời điểm: 7 (hoặc 14 ngày) và 112 ngày tuổi, khi chủng sử dụng kim chỉ khâu có nhúng vắc xin đâm xuyên qua màng cánh của gà. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khu chăn nuôi sạch sẽ khô ráo, thoáng mát; chăm sóc nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng; đồng thời diệt ruồi muỗi theo định kỳ.

4. Trị bệnh

Không có thuốc điều trị vì bệnh do virus gây nên. Tuy nhiên để tránh nhiễm trùng kế phát gây viêm hầu và đường tiêu hóa, ta nên dùng một số thuốc kháng sinh có phổ rộng cho uống hoặc cho tiêm liên tục 3 – 4 ngày.

Một số kháng sinh thường dùng như Chlotetrasol, Neocyclin, Tetramycin, Ampicillin, Amoxicillin

Ngoài ra có thể dùng một số thuốc sát trùng bôi vào những mụn đậu như Xanh Methylen 2%, cồn Iod 10%. Nếu các mụn ở miệng và ở mắt ta nên dùng các axit nhẹ như axit boric 1-3%, sulfat kẽm 1% hoặc nước chanh đem cọ rửa và chà sát vào các mụn loét làm bong các màng viêm và chống nhiễm trùng kế phát. Đồng thời phải bổ sung vào thức ăn, nước uống hay tiêm trực tiếp vitamin ADE cho gà để hồi phục các vết thương trên niêm mạc và ở da được nhanh.

Chia sẻ ngay:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+

Có thể bạn quan tâm

Scroll to Top